Pages

Tuesday, February 19, 2013

Tắm tất niên

Hương mùi già chiều tất niên


Đã qua rồi cái tuổi háo hức đón Tết vì có bộ quần áo mới, được ăn bánh chưng hay chắt bóp từng đồng mừng tuổi, song ở lứa tuổi nào Tết cũng thiêng liêng bởi nó chứa đựng những giá trị tâm linh cao cả. Với tôi, Tết chỉ thực sự đến khi ngoài vườn những luống rau mùi bắt đầu trổ bông, cho ra những nụ vàng li ti, tỏa hương thơm ngát khắp nhà.

hoa-mui Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy dù bận bịu với việc gói bánh, sắm sửa thực phẩm hay dọn nhà đón Tết thì mẹ cũng không quên chuẩn bị nồi nước mùi già cho cả nhà tắm trước giao thừa. Trước đây, khi cả gia đình còn sống ở quê thì từ đầu đông mẹ đã xới một khoảng đất tầm ô chiếu bên trái nhà gieo mùi vừa làm rau ăn và cũng là để mùi kịp “già” đúng Tết.
165116_459978148045_820103045_5242132_1599914_n Lên thành phố, thói quen của mẹ vẫn không thay đổi. Từ 23 tháng Chạp ra chợ sắm đồ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo mẹ đã “ngó nghiêng” xem có bán mùi già hay chưa. Gần đến Tết hơn, xen lẫn với số thực phẩm mẹ mang từ chợ về thế nào cũng có bó mùi già cành lá xanh đậm, khắp thân “chi chít” những trái mùi tí xíu. Mẹ về tới cửa hương thơm đã bay ngào ngạt.
Ngày cuối năm, bận rộn đủ đường, song tối 30 mẹ không quên chuẩn bị một nồi nước lá mùi thật lớn pha nước tắm cho cả nhà. Mẹ nói, nước mùi già sẽ “tẩy” hết mệt mỏi, vướng bận và lo toan. Tắm lá mùi chính là “nghi thức” tầy trần đón năm mới theo cách nói của mẹ. Hương mùi già lưu lại rất lâu, ba ngày Tết khắp nhà tôi vẫn thơm thoang thoảng hương mùi. Chính bởi thế, trong k‎ý‎ ức của tôi cứ khi nào thấy phảng phất mụi hương ấy là thấy Tết.

06012012afamilyDLtam3_827dc Tắm nước mùi già mỗi dịp đón năm mới không chỉ là tục lệ của riêng mẹ mà cả làng nhà nào cũng thế. Từ 30 Tết, từ nhà ra ngõ nơi đâu cũng thơm nức hương mùi. Bọn trẻ chúng tôi cả ngày có lăn lộn xem bố gói bánh chưng, thập thò cửa bếp hít hà món ăn mẹ chuẩn bị đón Tết hay lê la hết nhà nọ về nhà kia để khoe Tết nhà đứa nào to hơn thì tối đến cũng không quên về nhanh để tắm nước lá mùi chuẩn bị đón giao thừa.
Lớn lên tôi càng thấy tục lệ đó mai một dần. Dường như cuộc sống bận rộn, đủ đầy các loại sữa tắm, nước hoa thơm đã khiến người ta bỏ đi tập tục tắm lá mùi vốn đã lách cách. Dù vậy, với nhà tôi tập tục đó vẫn không hề thay đổi trong suốt mấy chục năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về ngoài việc tấp nập chuẩn bị nhà cửa, thực phẩm thì đun nước mùi già cho cả nhà đã trở thành niềm vui của mẹ. Hơn thế nữa, hương mùi già đã đi vào tiềm thức của anh em tôi, gắn liền với Tết cổ truyền dân tộc mà suốt cuộc đời này dù sống ở đâu chắc chắn nó sẽ không bị mai một.
Source

Ngày Tết – thơm hương nước tắm mùi già (21/1/2011)

Không khí Tết đã tưng bừng trên khắp phố phường. Nguời người như hối hả, tất bật hơn để chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền đang tới rất gần. Đây đó trên các con phố đã xuất hiện những cây quất trĩu nặng quả vàng óng ả, những cây đỗ quyên tưng bừng khoe sắc. Vài giò thủy tiên sớm trổ bông – những cọng hoa trắng một màu thanh tao. Trời rét thế này nhưng lòng lại thấy thật ấm áp khi nhìn lại một năm trôi qua trong bình yên và sắp đến những ngày không công việc, không học hành, chỉ vui chơi thăm thú họ hàng, trong cái lạnh của mùa đông, trong hương trầm thơm ấm áp, trong làn khói luộc bánh chưng xanh, trong cái không khí náo nức của phiên chợ quê ngày Tết.

Những ngày này, không hiểu sao mẹ lại nhớ quay quắt những ngày Tết bên ông bà ngoại, ngày mẹ còn thơ bé. Thế mới thấy dấu ấn những ngày tháng đầu đời lưu lại lâu thế nào, có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời một con người. Hôm qua, đi trên đường bắt gặp một người đạp xe chở những bó mùi già đặt trên chiếc nia nhỏ mang bán, lại thấy lòng thật bồi hồi. Với mẹ, bó mùi già cũng chở trong mình bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết thơ ấu.

huong-mui-gia-chieu-tat-nien-3 Ngày trước, rau mùi không có bán quanh năm như bây giờ mà chỉ trồng vào dịp thu đông. Ngay cả bây giờ, rau mùi trái vụ cũng không thơm bằng, không ngon bằng. Cứ khi trời se lạnh, người ta lại cuốc cho đất tơi xốp và gieo lên đó những hạt rau mùi nhỏ li ti như những hạt đường. Hạt rau mùi gặp đất ẩm, nảy những cái mầm xanh, vươn mình, đội đất ngoi lên, xòe hai nhánh lá tí xíu bằng hai hạt ngô, xanh nhẹ nhàng mỏng mảnh. Rau mùi lớn nhanh, xòe thêm những cái lá mới giống lá trang thu nhỏ thì được vặt cả gốc để bán làm rau thơm. Mùa đông lạnh, các món canh trở lên hấp dẫn hơn, đượm vị hơn với nắm rau mùi thái nhỏ, rắc vào rồi bắc ra ăn nóng. Với mùi thơm đặc trưng, dịu mà quyến rũ và màu xanh mát mắt của rau mùi, kể cả bát canh cà chua giản dị hay bát canh sườn nấu sấu cũng hấp dẫn hơn bội phần.

huong-mui-gia-chieu-tat-nien-37191f Gần Tết, những người trồng rau mùi sẽ để lại vài luống không hái. Rau mùi cứ thế cao ngồng lên, bỏ lại cái vẻ non chanh, mỏng mảnh, mỡ màng mà dần trưởng thành. Cái cọng thân không còn mềm mại mà cứng dần rồi khô đanh, chuyển sang màu nâu nhạt. Lá cũng vậy, không còn nõn nà mà dài nhỏ, lăn tăn như lá thì là. Từ cái thân khô đanh trổ ra những bông hoa nhỏ xíu màu trắng tím đầy dịu dàng e ấp. Khi đó, ngày Tết cũng cận kề. Người ta lại nhổ những cây mùi già, bó lại thành từng bó nhỏ mang bán. Những bó mùi già không phải để ăn mà để đun lên, tắm gội hay rửa mặt vào ngày Tất niên và đầu năm mới.

huong-mui-gia-chieu-tat-nien-c1f28c Chắc con lại hỏi thế thì có gì đặc biệt?. Đặc biệt chứ, vì mùi già chỉ để phục vụ cho ngày Tất niên và năm mới. Không phải vì nó hiếm mà vì không ai lại đi nịnh mình bằng cách mua mùi già về đun tắm gội và rửa mặt hàng ngày, nhất là bây giờ, khi người ta chỉ bật công tác bình nóng lạnh lên chứ không phải đun cả ấm nước sôi rồi hòa ra tắm vào những ngày đông lạnh.

huong-mui-gia-chieu-tat-nien-99172a Tắm thì ngày nào chả tắm. Nhưng tắm gội ngày Tất niên lại rất quan trọng. Ngày bé, ở nhà ông bà ngoại, vào ngày giáp Tết, bao giờ đi chợ mẹ cũng nhớ mua vài bó mùi già cho vào làn và vào ngày cuối cùng của năm, mẹ thường đun cả một nồi gang quân dụng nước nóng với mùi già cho cả nhà tắm Tất niên. Nồi nước mùi già đun kỹ chuyển sang màu nâu nhạt, và đặt biệt, thơm nồng nàn như lưu trong mình hương thơm của đất trời, gió nắng và cả cái rét tê tái mùa đông. Đun nồi mùi già trong bếp nhưng cả không gian, từ ngoài ngõ đã cảm nhận được một mùi thơm dễ chịu, ấm áp, thân thương – một mùi thơm đặc trưng vào dịp Tết cổ truyền. Tắm Tất niên không chỉ để mình thấy thoải mái, sạch sẽ và thơm tho đón xuân mà như để tẩy đi những phiền não, lo toan, buồn bực, xui xẻo của năm cũ và đón chờ một năm mới với bao nhiêu hy vọng và tin tưởng. Sáng mồng một, mẹ cũng lại đun một nồi nước mùi già để rồi mỗi người múc một gáo nhỏ, hòa vào cái chậu nhỏ bằng nhôm trắng rửa mặt để ai cũng thơm tho, may mắn cho ngày đầu năm và cho cả một năm mới. Cái tục lệ tắm và rửa mặt bằng mùi già được duy trì đến tận bây giờ ở nhà ông bà ngoại, mang cho mẹ những ký ức không quên.

Về nhà chồng, cái tục lệ này không được áp dụng nhưng mẹ ngang bướng cứ muốn duy trì cho mình. Thế nên những ngày Tết theo bà nội đi chợ, mẹ vẫn nhặt mua những bó mùi già thân thiết, đun lên đổ vào cái chậu thật to cho mùi thơm theo hơi nóng tỏa bừng không gian, thả vèo hai con nhóc con vào đó, vừa tắm vừa kể chuyện, vừa cùng nhau xuýt xoa, “mẹ ơi sao nước mùi già này thơm thế”, “mẹ thấy tóc con có thơm không”, “tắm nước mùi già là thơm cả năm hả mẹ?”. Mẹ sẽ vẫn duy trì tục lệ tắm tất niên bằng nước mùi già, như lưu giữ một chút hương vị Tết cổ truyền và tặng các con một phần ký ức về những cái Tết của tuổi thơ mẹ. Và mẹ chạnh lòng khi nghĩ, vào mỗi ngày giáp Tết, đi mua những bó mùi già, công việc mà mẹ vẫn làm ngày chưa lấy chồng, chắc thế nào bà ngoại cũng lại nhớ mẹ nhiều lắm đấy.

Source

Tắm tất niên

NDĐT- THỜI NAY - Cái ngày cuối cùng của năm cũ hình như không có buổi trưa thì phải. Không ai có khái niệm là về nhà ngủ trưa mà nhong nhóng trên khắp các khu chợ, khu phố sắm Tết. Mua bao nhiêu thứ vẫn cứ thấy thiếu thiếu gì đó. Mảnh giấy ghi đủ thứ lặt vặt cần mua lại vẫn quên không ghi thứ mà ra chợ mới chợt nhớ ra.

Trầu cau, tiền vàng là hay quên nhất. Phút cuối ra cổng chợ lại nhớ ra chưa mua lá tắm tất niên. Quay lại vậy. Chen qua dòng người đông đúc cũng mệt phờ râu trê. Hàng bán lá tắm đông người lắm, toàn là phụ nữ. Mùi lá thơm bay loang trong không gian. Mỗi nắm lá tắm chừng năm đến mười ngàn đồng thôi nhưng ai cũng muốn mua nhanh. Lá tắm gồm cây rau mùi già, lá bưởi, lá sả, lá hương nhu. Vùng núi còn có thêm lá dã hương.

Các cụ xưa dùng những thứ lá ấy tắm để cơ thể thơm tho, tẩy trừ hết những gì bụi bặm, đen đủi, không may mắn của năm cũ để đón năm mới đến với một sự sạch sẽ, thanh khiết. Ngẫm thấy, người Việt Nam coi việc đón năm mới là điều vô cùng hệ trọng. Nó khởi đầu cho cả hành trình một năm mười hai tháng tiếp theo. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Chính vì thế mà đón năm mới cũng đồng nghĩa với tâm trạng mới, sức sống mới, niềm vui mới, cùng với cả một cơ thể khác không còn như năm cũ. Điều đó thể hiện qua tất cả những công việc chuẩn bị đón Tết, tắm tất niên, làm cỗ cúng giao thừa, xông đất, chúc Tết...

Riêng khoản tắm tất niên thì không được quên. Chiều 30 Tết khi đã xong xuôi cơ bản việc nhà, nồi nước tắm to được đun trên bếp sẽ đủ cho cả nhà gột rửa bụi trần năm tháng cũ. Tôi còn nhớ khi bé, dù rét đến mấy, trưa 30 Tết mẹ cũng lột trần chúng tôi ra tắm, dội lên người thứ nước hăng hắc, trên da dính đầy mùn hoa cây mùi già. Bà nội thì bảo, tắm để tẩy uế, người phải sạch thì đón năm mới sẽ không bị giông, ma quỷ không đến gần mình được. Bọn tôi thấy sợ nên để yên cho mẹ tắm thôi chứ đâu biết rằng đấy là một phong tục đẹp, một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ai cũng ngờ đâu rằng điều giản dị ấy ngấm vào tâm trí mình lúc nào không hay biết. Bao nhiêu năm trôi qua là bấy nhiêu bữa tắm tất niên. Có lúc nào đấy phải ăn một cái Tết tha phương mới thấy ký ức mình chảy về bên mẹ, cơ thể mình thèm nhớ cái mùi lá tắm hăng nồng quen thuộc. Và đấy, bà chị họ ở trời Tây bao nhiêu năm dùng không thiếu loại nước hoa gì vẫn gọi điện về bảo, giá mà gửi sang cho được nắm lá xông thì tốt. Ai mà gửi được mùi quê hương qua hàng triệu cây số được. Thảo nào, có lúc về quê nhìn lũ trẻ con cởi truồng ngồi lốc nhốc quanh chậu nước lá thật to để mẹ kỳ cọ cho, chị lại bảo, điều đó không bao giờ thấy ở đất nước khác.

Đúng quá còn gì nữa. Có đứa trẻ Việt Nam nào lớn lên mà chẳng được mẹ tắm cho suốt thời thơ ấu. Khi đã thành con gái hay làm mẹ rồi, đóng kín phòng lại tắm tất niên, ngửi mùi cây lá tội gì mà chẳng tưởng tượng mình là Tây Thi hay Dương Quý Phi kiều diễm. Hay chí ít ai yêu văn chương là nhẩm đọc câu Kiều “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đừng tưởng tắm là đơn giản. Biết đâu mùi hương thơm năm mới lại làm hạnh phúc tràn đầy, mắt thiếu phụ lại long lanh ướt sáng, có đủ tin yêu cho mai này. Hà hít cái mùi thơm của tinh dầu từ lá tắm sẽ thấy thư thái hơn, khỏe mạnh hơn. Với cơ thể sạch sẽ ấy, việc sắp cỗ cúng giao thừa sẽ linh thiêng hơn. Đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp nén nhang cho người đã khuất cũng thấy dường như tấm lòng mình đã được bề trên thấu tỏ. Sự giao cảm giữa người trần và thế giới tâm linh dường như rõ ràng hơn, huyền diệu hơn. Chính từ lẽ ấy mà con người ta tin rằng, ông trời có mắt, có thờ có thiêng, có kiêng có lành để không làm điều ác, tích phúc tích đức cho con cháu mình. Tôi cũng sẽ như bao bà mẹ trẻ khác, dù bận đến mấy cũng sẽ đi mua lá thơm về tắm tất niên cho chồng con mình. Lũ trẻ con có quyền được hưởng một phong tục đẹp từ xưa truyền lại. Và hơn thế, chúng sẽ ý thức hơn về bản ngã của mình, về tình yêu thương gia đình, về việc phải giữ mình trong sạch trong cuộc đời nhiều giông gió.

Vừa đấy mà bỗng chảy nước mắt khi người bạn gọi điện rủ cùng đi tắm tất niên cho mẹ. Mẹ bạn mất sớm. Mỗi khi năm hết Tết đến, bạn lại đun nước lá thơm mang lên tưới lên mộ mẹ, mời mẹ về ăn Tết. Bạn làm thế để cầu mong mẹ thanh thản ở chốn cửu tuyền và thấy mình đựơc ấm áp như ngày còn có mẹ. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn : “Trở về với mẹ ta thôi/ Kẻo khi chết lại mồ côi dưới mồ”. Chẳng ít người giật mình nghĩ ra mình đã thật vô tâm với mẹ, Tết này hãy trở về thật sớm...

Ngoài kia, hoa ngày Tết chảy tràn trên phố, nhưng vẫn có người tìm mua lá thơm về tắm. Ở nhà quê sướng hơn là không phải mua mà đi hái quanh vườn nhà, đồi bãi. Nồi nước tắm tỏa hương gợi vẻ ấm áp của một gia đình đoàn tụ. Tắm trước giao thừa cũng làm cho người ta thấy lớn thêm lên. Và có vẻ lãng mạn nhất là chờ đợi suốt một năm dài để đựơc tắm tất niên. Sự chờ đợi ấy làm mùa Xuân trẻ hơn, ý nghĩa hơn. Hệt như người ta chờ đợi sự mới mẻ trong vẻ đẹp phồn thực của con ngưòi.

MAI PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment