Pages

Wednesday, January 30, 2013

Minh triết Việt trong sự tích Ông Táo

Rất nhiều người quan niệm rằng tục cúng ông Táo là của người Hán du nhập vào văn hóa Việt. Thậm chí nó được các học giả nói một cách rất nghiêm túc. Nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Ông Tuấn Anh cho rằng: Chính nền văn hiến Việt trải gần 5000 huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử là nguồn gốc của phong tục cúng ông Công Ông Táo. Khi nền văn minh này sụp đổ ở Nam Dương Tử và bị Hán hóa trải hàng ngàn năm; khiến ngày nay người ta ngộ nhận tục cúng ông Công Ông Táo của người Hán.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông để bạn đọc tham khảo và tiếp tục thảo luận.

Ông Táo trong truyền thuyết và phong tục Việt

Cứ mỗi khi năm hết Tết đến thì nhà nhà Việt Nam theo phong tục lại làm lễ cúng Ông Táo về trời. Đây là một phong tục thuần Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước và còn giữ lại trong truyền thống văn hóa Việt đến ngày nay.

Bằng chứng gián tiếp cho điều này là từ thời Hùng vương thứ VI, vua Hùng đã chấm giải nhất cho hoảng tử Lang Liêu là người kế vị và bánh chưng bánh dày do hoàng tử Lang Liệu được đặc biệt dùng cúng tổ tiên trong ngày Tết.

Từ đó, chúng ta dễ dàng suy ra rằng: Lễ Tết nguyên đán có từ thế kỷ XV trước CN - tương đương thời vua Bàn Canh của Ân Thương. Từ đó chúng ta dễ dàng đặt vấn đề với lễ cúng Ông Táo về trời liên hệ đến ngày giáp Tết phải là phong tục của người Việt từ thời xa xưa.

Bởi vì, khi nền văn minh Hoa Hạ tiếp quản được nền văn minh ở Nam Dương Tử, đã Hán hóa những giá trị văn hóa Việt trong hơn 1000 năm và tiếp tục duy trì đến bây giờ, ở vùng đất cũ của Văn Lang xưa, khiến không ít người ngộ nhận tục cúng ông Táo của người Hán. Nhưng chính vì nguồn gốc tục cúng Ông Táo trong văn hóa Hán chỉ là sao chép lại từ văn hiến Việt. Nên nó chỉ là một tín ngưỡng thuần túy và không mang tính minh triết liên hệ với nội dung của nó.

Ngược lại, truyền thuyết của dân tộc Việt với hình ảnh Táo quân "Hai ông, một bà" và nội dung của nó lại trùng khớp hoàn toàn về nội dung với những giá trị minh triết Đông phương của chính cái mà người ta gọi là có nguồn gốc Hán.

Chúng ta hãy xem lại truyền thuyết có dấu ấn cổ xưa nhất về ông Táo còn lưu truyền trong văn hóa Việt. Tóm lược như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành "ba đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

ongtaoout Tranh dân gian Việt - bản khắc gỗ

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người. Cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là "cò bay ngựa chạy") để làm phương tiện cho "Vua Bếp" lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả.

Qua truyền thuyết của dân tộc Việt truyền lại, chúng ta thấy rằng hình ảnh hai ông một bà - tức một Âm hai Dương hoàn toàn trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch.

ongtao2
Quẻ Ly

Vết lõm trên ông đầu rau trong bếp Việt xưa

Ba vị Táo quân trong phong tục Việt cũng phù hợp với thực tế cái bếp xưa của Việt tộc cũng chỉ có ba miếng đất gọi là: Ông Đầu rau.

Một trong những nét độc đáo khi tạo ba ông đầu rau để nấu bếp là khi nặn bao giờ người thợ nặn cũng lấy ngón tay ấn nhẹ vào giữa một trong ba ông này, tạo thành một vết lõm tròn. Và ông đầu rau có vết lõm đó bao giờ cũng đặt vào giữa.

ResizedImage184256-10476-ongtao3 Ba ông Đầu rau trong bếp Việt xưa

Bây giờ, bếp ga, bếp dầu ầm ầm. Xưa nhất cũng là cái kiềng ba chân bằng sắt phổ biến ở thành thị. Ông Đầu rau bằng đất dù ở vùng sâu, vùng xa cũng chắc không còn nữa. Huống chi một vết nhấn tròn giữa một ông đầu rau, chắc chẳng ai còn nhớ. Cho nên, điều mà người viết nói ở đây, may ra chỉ còn trong ký ức của những người cao niên, ở một miền quê xa xôi nào đó.

Ý nghĩa của vết lõm này chính là dấu hiệu của tính bao trùm mà tiếng cổ Việt ngày xưa gọi là "Cái'. Tức Táo bà. Quẻ Ly thuộc Dương, nhưng lại ở phía dưới Hà Đồ, nên tính Âm mới bao trùm lên tất cả. Bởi thế tính Âm mới làm cái trong ba ông Đầu rau. Chính vì vậy, Ly là Trung Nữ.

Trong bức tranh dân gian Việt mà các bạn thấy ở trên táo bà ngồi giữa hai ông thì trong quẻ Ly hào Âm cũng đứng giữa. Quẻ Ly thuộc Hỏa nên biểu tượng cho bếp cũng thuộc Hỏa. Biểu tượng trong truyện dân gian "cả ba người cùng chui trong đống lửa" đấy chính là hình tượng của ba ông đầu rau trong bếp mỗi nhà.

ResizedImage144186-10476-ongtao4 Tranh Đàn Cá.

Thiên nhất sinh thủy.

Địa lục thành chi.

Lạc Thư Chu Dịch trong phong tục cúng Táo Quân của người Việt

Một hình ảnh gắn liến với lễ Táo Quân chính là con cá chép. Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không? Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại. Con cá chép thuộc hành thủy. Trong những di sản văn hóa phi vật thể là những bức tranh dân gian Việt chúng ta thấy trang đàn lợn với một lợn mẹ và năm lợn con. Đây chính là hình tượng của "Thiên Nhất sinh thủy - Địa lục thành chi". Chúng ta cũng thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông hồ: Một con cá mẹ với năm con cá con.

 

ResizedImage156118-10476-ongtao6 Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế.
Biểu tượng Táo Quân (Hỏa) cưỡi trên lưng cá chép (Thủy).
Cá thuộc hành Thủy, tượng của quẻ Khảm:

Và hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành. Đó là tinh thần của quẻ Vị Tế.

Tại sao Ông Táo lại về trời lại là ngày 23 tháng Chạp mà không phải là ngày 30? Theo lý học Đông phương đó là ngày Nguyệt Kỵ. Vậy Táo quân chọn đúng ngày này lên trời có sai không?

Ngày 23 tháng Chạp, Ông Táo về trời

Sách cổ chữ Hán chỉ ghi nhận mùng 5, 14, 23 là ngày Nguyệt kỵ và không một lời giải thích. Trong truyền thuyết dân gian Việt thì cho rằng "Đó là những ngày vua đi, nên kiêng ra đường".

Tôi đã chứng minh trong một tiểu luận rằng: Đây chính là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong Năm.

Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành - Theo Lý học Đông phương - thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về trời.0702ongtao

Y phục của Táo Quân và vì sao Táo Quân không mặc quần?

Bức tranh dân gian Việt ở trên vẽ ba vị Táo Quân, đều mặc quần nghiêm chỉnh, với những hàng chữ Hán phía trên. Bức tranh này hẳn được sáng tác kể hàng ngàn năm sau khi nền văn minh Văn Lang sụp đổ ở miến Nam sông Dương Tử. Bởi vì, trong phong tục còn giữ lại được đến ngày nay trong dân gian Việt thì Táo Quân không mặc quần. Điều này cũng giống như hàng ngàn năm trôi qua, những con rối nước trong văn hóa dân gian Việt được vẽ cái vạt áo bên phải vậy. Hiếm lắm, trong kho tàng chất những con rối nước cổ bỏ đi, may ra còn những con rối xưa cài vạt áo bên trái. Vậy Táo Quân không mặc quần có ý nghĩa gì trong truyền thống Việt?

Lịch sử Trung Hoa ghi lại: Chính cái quần là của các dân tộc phía Bắc Trung Hoa và không thuộc về y phục Hán cổ. Vào cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Vương mới đưa cái quần vào làm y phục chính thức của nước Triệu. Và y phục này thích hợp với các chiến binh trong các cuộc chiến liên miên giữa các quốc gia so với vải quây che phần thần dưới trước đó. Sau này chiếc quần mới phổ biến trong thất Quốc và do các chiến binh mặc và trở thánh y phục của Trung Hoa.

ResizedImage201235-10477-taoquan1 Mũ Ông Công Ông Táo trên khắp chợ cùng
quê trong nền văn hiến Việt còn đến ngày nay.

Nhưng Người Việt, với tư cách là một nhà nước độc lập ở Nam Dương Tử, tất nhiên không thể tiếp thu một cách nhanh chóng y phục quần của các dân tộc phi Hán ở Phương Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng: Phong Tục thờ Táo Quân phải có từ rất lâu, trước cả khi dân tộc Hán bị xâm nhập văn hóa mắc quần của các dân tộc phái Bắc này và còn giữ đến bây giờ.

Và điều này như tôi đã phân tích ở trên: Nó phải có trước thời Vua Hùng Vương Thứ VI quyết định dùng bánh Chưng bánh dầy vào lễ Tết của dân tộc Việt. Còn nếu như thời Hùng Vương chỉ ra đời vào Thiên Niên kỷ thứ nhất trước CN và Tết Việt Nam là văn hóa Hán là chủ nhân đích thực của văn hóa Đông phương thì ông Táo Việt đã mặc quần như bức tranh dân gian sáng tác về sau này mà bạn đọc đã nhìn thấy ở trên.

ResizedImage393230-10477-taoquan2 Hình người trên trống Đồng Lạc Việt với mũ có hình đầu rồng
(bên phải) và hai dải mũ cao vút.

Qua sự minh chứng và phân tích ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Đằng sau một phong tục cổ truyền của dân tộc Việt - tục cúng "Ông Táo về trời" là cả một sự minh triết liên quan chặt chẽ đến nền Lý học Đông phương - mà từ lâu tôi đã minh chứng - thuộc về nền văn hiến huyền vĩ Việt, một thời huy hoàng ở miến Nam sông Dương Tử. Có thể nói rằng: Không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng khớp hợp lý gần như toàn bộ nhứng nét chính của phong tục cúng ông Công, ông Táo với những quan niệm có tính nguyên lý của Học thuật cổ Đông phương. Sở dĩ có sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ này, chính vì nó là hệ quả của nền minh Đông Phương thuộc về nền văn hiến Việt được đưa vào cuộc sống văn hóa Việt qua phong tục cúng đưa "Ông Công, Ông Táo về trời".

Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây. Khí chính chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp kẻ chợ , thôn quê ngày nay lại là một hình tượng được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ các vua Hùng trên trống đồng Lạc Việt:

Kỳ diệu thay nền văn hiến Việt. Mong rằng các thế hệ sau đừng vội quên đi nguồn cội của thời Hùng Vương dựng nước mở đầu cho tập Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến.

Nguyễn Vũ Anh  Tuấn

Saturday, January 26, 2013

Làm giàu và phát triển


Kết quả tăng trưởng kinh tế thường được đo lường bằng sự gia tăng khối lượng sản phẩm và dịch vụ được tạo ra bởi người dân của một vùng lãnh thổ (GNP - Tổng sản lượng quốc dân) hay bởi tất cả cư dân bao gồm cả người nước ngoài cư trú tại vùng lãnh thổ đó (GDP - Tổng sản lượng nội địa) trong một thời điểm nhất định, thường là một năm.
Sự tăng trưởng đó được xem là sự giàu có tăng thêm mỗi năm của một cộng đồng, thí dụ một quốc gia hay một thành phố. Và vì sự gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ có phần đối ứng tương đương là thu nhập, người ta cũng có thể dựa vào kết quả đó để tính mức thu nhập bình quân đầu người tăng thêm trong năm của mỗi cư dân trong cộng đồng, bằng cách chia GNP cho số dân của cộng đồng đó. Phép tính này khá đơn giản, tuy nhiên có thể dẫn đến hiểu lầm là sự giàu có tăng thêm của toàn thể cộng đồng là kết quả tổng cộng của sự giàu có tăng thêm của mỗi cá nhân trong cộng đồng, trong khi trên thực tế, sự giàu lên của cộng đồng được tính bằng tốc độ tăng trưởng của GNP hằng năm có những ảnh hưởng khác biệt, tích cực hay tiêu cực, đối với thu nhập và tài sản của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân thành viên của cộng đồng. Hiện tượng so le đó tạo nên một trong những khác biệt giữa trạng thái được gọi là tăng trưởng kinh tế và trạng thái được gọi là phát triển kinh tế, và các nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra rằng ở nhiều nước dù nền kinh tế có tăng trưởng nhưng không có phát triển vì chất lượng tăng trưởng quá thấp.
Tổng sản lượng quốc dân (GNP) của một nước theo số liệu thống kê có thể tăng đều mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người (GNP per capita) cũng tăng theo, không có nghĩa là mỗi người dân trong quốc gia đó sẽ giàu lên theo cùng một tỷ lệ. Rất nhiều kết quả nghiên cứu tại các nền kinh tế đã phát triển hay đang phát triển cho thấy rằng tại nhiều nước, mặc dù tổng sản lượng quốc dân GNP tăng đều mỗi năm và thu nhập bình quân đầu người được ghi nhận theo kết quả thống kê là tăng, vẫn có nhiều người, nhiều hộ gia đình, nhiều khu vực - phổ biến là khu vực nông thôn - bị nghèo đi. Số người này ngày càng chiếm đa số, thường được gọi là đa số kém ưu đãi, là nhóm người được thừa hưởng ít nhất các kết quả của tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng nghèo đi này được nhìn nhận theo hai cách. Về mặt tương đối, tuy mức thu nhập và tài sản danh nghĩa được tính bằng tiền của một bộ phận thuộc nhóm kém ưu đãi hiện nay có khá hơn trước đây so với chính họ, nhưng tốc độ khá lên của họ lại chậm hơn rất nhiều so với các nhóm thu nhập khác, do đó trong tương quan so sánh động, nhóm này vẫn bị nghèo đi vì cuối cùng, lạm phát sẽ hút mất phần chênh lệch danh nghĩa của họ. Về mặt tuyệt đối, còn có một bộ phận khác kém may mắn hơn lâm vào hoàn cảnh thực sự nghèo hơn chính họ trước đây - thu nhập ít hơn, tài sản giảm hơn - do nhiều lý do: công việc làm ăn thất bại dẫn tới phá sản, con cái đông hơn khiến thu nhập bình quân của gia đình giảm thấp, con cái không được ăn học do đó không tìm được việc làm, ruộng đất canh tác giảm dần do tiến trình đô thị hóa... Hệ quả của quá trình nghèo đi theo cả hai cách tương đối và tuyệt đối của đa số kém ưu đãi trong cộng đồng là khoảng cách giàu nghèo giữa họ và những nhóm khác ngày càng mở rộng ra, được thấy rõ nhất là giữa nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, vì tổng thu nhập quốc dân thực sự có tăng lên trên tiến trình tăng trưởng kinh tế, do đó ở đầu bên kia - những nhóm được ưu đãi - sẽ có những người cảm thấy mình giàu lên nhanh chóng do nhiều nguyên nhân khác nhau: do nhận được cơ hội tốt hơn để có công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn, do hưởng được những đặc quyền đặc lợi về kinh tế, do thành công đặc biệt trong kinh doanh nhờ vào tài năng, may mắn hay những mối quan hệ tốt, do tiêu cực và tham nhũng... Tình trạng giàu lên và nghèo đi của hai nhóm ở hai đầu của dân số sẽ làm thay đổi tác phong của đường cong về phân phối lợi tức trong cộng đồng theo hướng ngày càng bất bình đẳng hơn và làm cho hệ số Gini ngày càng lớn hơn. Chẳng hạn, hệ số Gini (biểu thị bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam hiện nay đã từ 0,35 của thập niên trước đây tiến đến mức trên 0,4, một mức đáng báo động về hiện tượng phân phối bất bình đẳng thu nhập, tuy rằng nước ta từng được Ngân hàng Thế giới ca ngợi là quốc gia có các chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Như vậy, những số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế chung không chắc phản ánh trung thực tình trạng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người hay mỗi nhóm người trong cộng đồng xã hội. Không ai có thể phủ nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp chúng ta trong vòng hai mươi năm nay, giúp nước ta từ một nước thiếu ăn thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, như gạo, cà phê, hạt tiêu... Tuy nhiên, đại bộ phận nông dân vẫn nghèo, nông thôn vẫn kém phát triển, chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục tại nông thôn vẫn kém, trình độ dân trí tại nông thôn vẫn thấp. Vì sao? Vì nông dân và khu vực nông thôn chỉ nhận được phần ít nhất các thành quả mà họ đạt được trong sản xuất, khiến tốc độ giàu lên của họ chậm hơn và do đó khả năng tái đầu tư để tăng năng suất trong nông nghiệp và cải thiện cuộc sống ở nông thôn ít hơn.
Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 10-12-2012, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nhận xét: "Phát triển nông nghiệp thời gian qua có vấn đề... Cuộc cách mạng lúa thần nông bắt đầu sau Đổi mới mang lại thành công... giúp (nước ta) trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng... chẳng thấy tiến triển để nâng cao đời sống dân trí, kiến thức cộng đồng nông dân... Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tệ nạn xã hội hoành hành, (nông dân) mất đất là ba vấn đề nhức nhối của bức tranh nông thôn".
Tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng năng suất lao động là những yếu tố cơ bản quyết định cho việc làm giàu của mỗi người, mỗi doanh nghiệp. Sự gia tăng này cũng đồng thời đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, tức sự giàu lên của cộng đồng. Gắn kết được sự giàu lên của cá nhân và sự giàu lên của cộng đồng một cách hài hòa và hiệu quả không chỉ là mục tiêu lý tưởng của chính sách kinh tế mà còn của những chương trình cải cách chính trị xã hội. Đây được xem là một sự phát triển win-win, mọi người đều được hưởng phần xứng đáng căn cứ vào sự đóng góp hiệu quả của mình vào sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, do những bất cập về chính sách, không thiếu hiện tượng giàu lên nhanh của cá nhân, của các nhóm lợi ích không đưa đến sự giàu lên của cộng đồng mà có khi còn ngược lại.
Chẳng hạn, trong quá trình hình thành bong bóng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vừa qua, một số người giàu lên nhanh chóng do tranh thủ được thời cơ có một không hai này, nhưng sự giàu có nhanh của họ không đem lại sự tăng trưởng nhanh tương ứng của GNP, vì đó chỉ là kết quả của trò chơi tổng bằng không (zero-sum game), giá trị tài sản tăng lên của họ trong một thời điểm ngang bằng số tài sản mất đi của những người khác trong thời điểm đó, hoặc bằng với số tài sản họ sẽ mất đi sau này khi bong bóng vỡ. Cũng vậy, những người tích trữ tài sản dưới hình thức vàng miếng trong thời gian qua cũng thấy giá trị tài sản của họ tăng nhanh chóng mặt, nhưng họ đã không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế, nếu không nói rằng đó là một sự đóng góp âm. Ngoài ra, những hiện tượng giàu lên âm thầm do tiêu cực và tham nhũng chẳng những không giúp ích cho cộng đồng, mà còn có thể làm mất đi một nguồn vốn đầu tư lớn của quốc gia nếu những tài sản này được biến thành ngoại tệ chuyển ra cất giấu tại nước ngoài.
Một cộng đồng dân tộc giàu mạnh thực sự phải giàu mạnh bằng chính sự làm giàu chân chính của mỗi thành viên. Muốn vậy phải có một chiến lược quốc gia đúng đắn về phát triển và làm giàu. Năng suất lao động của mỗi thành viên sẽ không thể tăng nếu cộng đồng không có một hệ thống giáo dục chất lượng tốt và phổ cập, cung cấp cơ hội học tập đồng đều cho mỗi công dân, khuyến khích phát triển những tài năng ưu tú của quốc gia và xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ không thể tăng cường nếu không có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi nhằm chọn lọc những doanh nghiệp giỏi hơn, sử dụng các nguồn lực quốc gia tốt hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn. Sản lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ không thể tăng lên nếu không có một môi trường đầu tư lành mạnh, một hệ thống luật pháp khuyến khích và bảo vệ hoạt động đầu tư của công dân, một chính sách công nghệ tốt, một chính sách tín dụng hỗ trợ tích cực và một chính sách thuế khoán dưỡng sức dân.
Đó là một cộng đồng khuyến khích những người giỏi làm giàu và chia sẻ những thành quả đó cho những thành viên kém cỏi hơn qua một mạng lưới an sinh xã hội tốt đẹp và công bằng. Một cộng đồng mang lại niềm tin và sự lạc quan vào tương lai của mỗi thành viên bằng cách cung cấp cho họ nhiều cơ hội chọn lựa hơn, nhiều động lực hơn để thực hiện những ước vọng và hy vọng cho một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn.

Khi lãnh đạo và trí thức cùng nhìn một hướng


Trí thức có thể đối lập với chủ trương của lãnh đạo nếu thấy chủ trương đó đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, hoặc thấy không khoa học, không hợp với quy luật khách quan.
Thông thường trí thức là người hiểu biết, có trình độ văn hóa cao, có kiến thức chuyên môn, và không bị ràng buộc vào (hoặc có ý thức tránh xa) những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị. Trí thức có thể đối lập với chủ trương của lãnh đạo nếu thấy chủ trương đó đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, hoặc thấy không khoa học, không hợp với quy luật khách quan. Nhưng cũng không hiếm những trường hợp lãnh đạo và trí thức tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và trí thức giúp lãnh đạo làm nên sự nghiệp cao cả, đưa đất nước vào thời đại xán lạn. Ngày xưa không thiếu những trường hợp minh quân gặp hiền tài và cùng làm nên nghiệp lớn. Lưu Bang gặp Trương Lương, Lê Lợi gặp Nguyễn Trãi là những ví dụ.
Trong thời đại ngày nay, xã hội phức tạp hơn, vai trò của trí thức và sự thể hiện vai trò đó cũng đa dạng hơn. Lãnh đạo tìm đến trí thức có thể trực tiếp "tam cố thảo lư" nhưng cũng có thể qua nhiều kênh gián tiếp. Chẳng hạn lãnh đạo thường quan tâm đến trí thức, thường đọc sách, đọc báo thì có thể tìm thấy những ý tưởng hay, những đề khởi về con đường phát triển để tham khảo cho các quyết sách chiến lược. Tiền đềở đây dĩ nhiên là phải có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận để trí thức có cơ hội phát biểu ý kiến của mình. Mặt khác, nếu xuất hiện nhà chính trị có văn hóa, có đạo đức và tỏ ra có bản lãnh, có lý tưởng vì đất nước thì qua các quan hệ xã hội hoặc qua các kênh nghiên cứu, thảo luận rộng rãi, họ có thể quy tụ được bên mình nhiều trí thức tài năng, tâm huyết.
Vào cuối thập niên 1950 ở Nhật Bản, xuất hiện mẫu người lãnh đạo lý tưởng đó và trí thức, trí tuệ của xã hội đã cùng với người đó làm nên một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử thế giới: Chỉ trong 10 năm đã biến một nước có thu nhập trung bình và mới vừa phục hồi sau chiến tranh trở thành một nước có thu nhập cao, thay đổi hẳn đời sống của đại đa số dân chúng và sánh vai với các cường quốc kinh tế trên thế giới.
Tình hình chính trị, xã hội ở Nhật vào nửa sau thập niên 1950 rất phức tạp vì bất đồng trong dư luận và giữa các chính đảng liên quan đến chính sách ngoại giao với Mỹ.
Ikeda Hayato và John Kennedy (trái)
Về kinh tế, năm 1956 đánh dấu sự thành công của nỗ lực phục hưng hậu chiến. Mức sản xuất đã khôi phục lại mức cao nhất thời tiền chiến. Nhưng cũng trong bối cảnh đó xảy ra tranh luận sôi nổi về hướng phát triển sắp tới. Chưa có ai vẽ ra được viễn ảnh và đưa ra chiến lược có sức thuyết phục.
Trong tình hình dân chúng đang mệt mỏi vì không khí chính trị, xã hội căng thẳng, và không có viễn ảnh về tương lai kinh tế, một chính trị gia kiệt xuất đã xuất hiện. Đó là Ikeda Hayato (1899-1965). Ikeda nguyên là quan chức Bộ Tài chính, làm đến chức thứ trưởng thì ứng cử vào hạ viện. Trong lúc tham gia nội các, giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, ông đã quyết chí ứng cử vào chức đảng trưởng đảng cầm quyền LDP (đồng thời là thủ tướng) để thực hiện giấc mơ đưa nước Nhật lên ngang hàng với các nước tiên tiến Âu Mỹ.
Ikeda nguyên là một quan chức mẫu mực, một lãnh đạo chính trị đức độ, thanh liêm. Lúc làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đầu thập niên 1950, ông dẫn đầu một phái đoàn công du sang Mỹ. Trong tình trạng ngân sách nhà nước hạn hẹp, ông đã tiết kiệm kinh phí đến mức chỉ thuê khách sạn ba sao và hai ba người (kể cả Bộ trưởng) ở chung một phòng. Ban ngày đoàn của ông đi làm việc với chính phủ Mỹ, buổi tối mọi người tập trung tại phòng ông để kiểm điểm công việc trong ngày và bàn nội dung làm việc cho ngày hôm sau. Khách sạn nhỏ nên phòng không có bàn, mọi người phải ngồi bệt trên sàn bàn công việc.
Cùng với đức độ và tinh thần trách nhiệm mà nhiều người đã biết, Ikeda đã được dư luận nhất là giới trí thức đánh giá cao qua những phát biểu về nhiệm vụ của người làm chính trị, về phương châm phát triển đất nước mà ông sẽ thực thi nếu được làm thủ tướng. Có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, ông cho rằng giai đoạn sắp tới phải là thời đại kinh tế, Nhật phải tận dụng tiềm năng về nguồn nhân lực của mình và hoàn cảnh thuận lợi của thế giới để vươn lên hàng các nước tiên tiến. Thứ hai, triết lý chính trị là vì dân, vì cuộc sống của dân chúng nên mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là phải tăng thu nhập của toàn dân và mở rộng mạng an sinh xã hội để giúp người không theo kịp đà phát triển chung.
Nhưng nguyện vọng, quyết tâm của nhà chính trị phải được cụ thể hóa bằng chiến lược, chính sách, trước mắt là được đồng tình của dân chúng, tiếp theo là phải được thực hiện có hiệu quả. Lúc này Ikeda cần đến trí thức.
Đang suy nghĩ tìm kiếm một ý tưởng chủ đạo của chiến lược phát triển đất nước, Ikeda đọc được bài viết "Luận về khả năng bội tăng tiền lương" của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro đăng trên báo Yomiuri. Trong bài viết đó, Nakayama bàn về khả năng cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực chất, cải thiện hẳn mức sống của dân chúng.
Theo gợi ý của giáo sư Nakayama, Ikeda thai nghén một chiến lược phát triển gọi là "Bội tăng thu nhập quốc dân" và lập ra một nhóm bảy người gồm các trí thức tên tuổi và các quan chức, các cộng sự tài giỏi để triển khai cụ thể chiến lược này. Đặc biệt trong số này có Shimomura Osamu (1910-1989), nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và có năng lực hình thành các chính sách cụ thể.
Lúc đó ở Nhật đang có tranh luận sôi nổi về hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Ý kiến chủ đạo lúc đó là trong giai đoạn phục hưng hậu chiến vừa qua, kinh tế Nhật phát triển khá cao (trung bình độ 8%/năm) vì khởi điểm quá thấp, trong giai đoạn tới tốc độ phát triển chỉ có thể bằng mức cao nhất thời tiền chiến (độ 4%) hoặc hơn một chút (5%).
Chủ trương của Shimomura thì khác. Ông cho rằng Nhật đã qua thời hỗn loạn hậu chiến, hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng; đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Đầu tư có hai hiệu quả là vừa tăng tổng cầu vừa tăng khả năng cung cấp (sản xuất) của nền kinh tế. Do đó có thể nói kinh tế Nhật đang bước vào thời đại bột phát mạnh mẽ. Thời phục hưng hậu chiến phát triển 8% nên thời đại mới ít nhất phải là 10%. Ngoài giải thích về mặt lý luận, Shimomura còn dẫn chứng bằng các kết quả tính toán chi tiết nên rất có sức thuyết phục. Trợ lý cho Shimomura là hai chuyên viên trẻ, hồi đó chưa có máy tính nên việc tính toán rất mất thì giờ. Trong nhóm bảy người còn có các nhà kinh tế nổi tiếng khác như Inaba Shuzo, Takahashi Kamekichi, và một quan chức tài giỏi là Miyazawa Kiichi (sau này cũng làm thủ tướng). Ikeda trực tiếp tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này.
Tượng của Ikeda Hayato tại Hiroshima
Được nhóm chuyên viên, trí thức triển khai về mặt lý luận và các chính sách cụ thể, Ikeda tự tin và đã quyết định lấy Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân làm cam kết chính trị trong cuộc tranh cử vào vị trí chủ tịch đảng. Ikeda thắng cử và trở thành thủ tướng vào tháng 7 năm 1960.
Cốt lõi của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân là toàn dụng lao động, làm cho dân chúng thấy cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Phương châm cơ bản là tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư. Công việc của chính phủ chỉ là cố gắng tiết kiệm công quỹ để có thể giảm thuế nhằm kích thích đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển là công nghiệp hóa, là phát triển ngành dịch vụ nên lao động phải chuyển dần từ nông nghiệp sang các khu vực phi nông. Do đó Ikeda đã nhấn mạnh phải ra sức giáo dục bậc cao đẳng và hướng nghiệp để quá trình chuyển dịch lao động không bị gián đoạn.
Mặc dù Shimomura chủ trương phát triển mỗi năm 10% (thu nhập quốc dân sẽ gấp đôi trong bảy năm), nhưng để dung hòa với nhiều ý kiến khác, trong kế hoạch được công bố, kinh tế sẽ tăng trưởng độ 7,2% và thu nhập quốc dân tăng gấp đôi trong 10 năm (1960-1970).
Khi nhậm chức thủ tướng, ngoài bài phát biểu về kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, Ikeda còn tuyên bố nhiều ý tưởng được sự đồng tình của dân chúng. Chẳng hạn, "Làm chính trị là nâng cao mức sống của dân chúng. Phát triển kinh tế phải trên tiêu chuẩn tăng thu nhập toàn dân, làm cho mọi người dân cảm nhận thực sự là kinh tế đang phát triển", hoặc "Chính trị mà để người nghèo không được đi học là chính trị tồi".
Ikeda đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Doanh nghiệp tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc. Trong bối cảnh đó, đúng như dự đoán của Shimomura, kinh tế phát triển trên 10%, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong bảy năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu. Theo giá thực tế năm 2000, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Nhật vào năm 1960 là 7.700 USD, đến năm 1970 tăng lên 16.600 USD. Mức chi tiêu của một gia đình giới lao động vào năm 1960 trung bình mỗi tháng là 32.000 yen, đến năm 1970 đã tăng lên 83.000 yen. Lương tháng của công nhân trong ngành công nghiệp đã tăng từ 23.000 yen năm 1960 lên 72.000 yen năm 1970. Trừ đi độ trượt giá mỗi năm vài phần trăm, trên thực chất thu nhập của giới lao động đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Ngoài ra, số lao động có việc làm tăng nhiều hơn so với kế hoạch và số giờ làm việc mỗi tháng của giới lao động giảm từ 203 giờ còn 187 giờ. Thập niên 1960 cũng là giai đoạn người Nhật chứng kiến nhà nhà có tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, TV,...
Ikeda bị bệnh và mất sớm (năm 1965), lúc đương tại chức thủ tướng. Ông không sống đến hết giai đoạn của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, nhưng đã chứng kiến những thành tựu bước đầu, cụ thể là ba sự kiện xảy ra trong năm 1964: Tổ chức Olympic Tokyo thành công, khai trương đường sắt cao tốc (Shinkansen) Tokyo-Osaka và Nhật trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tiên tiến.
Nhà chính trị Ikeda Hayato và nhóm trí thức cộng tác với ông đã biến giấc mơ của mình thành giấc mơ của toàn xã hội. Họ là những người hiểu được nguyện vọng của người dân và quyết chí đáp ứng bằng trí tuệ và tâm huyết của mình.
Tokyo, Xuân Quý Tỵ 2013
Trần Văn Thọ/ Theo DNSGCT

Friday, January 25, 2013

Dân tộc và thời đại với nội hàm mới...

Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn các trào lưu phổ quát ấy.

LTS: Nhân 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã phát biểu như trên với nhóm phóng viên Tuần Việt Nam về quan điểm lịch sử khi đánh giá ý nghĩa của Hiệp định và về những kinh nghiệm trong quan hệ với các cường quốc tại hòa đàm Paris. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Lùi lại 40 năm sau sự kiện chấn động thế giới, giờ đây các nhà nghiên cứu quốc tế, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhận xét Hiệp định Paris về Việt Nam 1973 như một "tao đoạn kỳ lạ" (strange interlude), một "cự ly an toàn" (decent interval) trong cuộc chiến. Xin ông bình luận?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Nhận xét Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như một "strange interlude" là muốn nói tới "thời gian giải lao" giữa hai trận đánh. Trên thực tế, các hoạt động quân sự và ngoại giao đâu có dừng lại trong thời đoạn từ lúc ký Hiệp định cho đến khi tổng tấn công và nội dậy!
Còn "cự ly an toàn" là muốn nói về ý đồ của Nixon vừa muốn tái cử, vừa muốn giữ Thiệu. Tuy nhiên, do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn, nên cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ.
Nhưng vượt lên các thuật ngữ ấy là vấn đề triết lý lịch sử, nhất là khi chúng ta đã qua một thời gian khá dài, lùi lại 40 năm như phóng viên vừa nói.  Về phương pháp luận, phải biết dựa vào những dữ kiện có thật, chứ không thể chỉ dựa vào cảm quan của người viết
Có thể có chút phóng đại, nhưng tôi chia sẻ với nhận xét, có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra...

Tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt.... nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán! Ảnh Lê Anh Dũng.

Phương án đấu tranh ngoại giao
Hiệp định Paris về Việt Nam, ngay như tên gọi đã có phần thiếu chính xác, một "misnomer" (gọi sai!). Tiếng là Hiệp định hòa bình năm 1973, nhưng trên thực tế, mãi tới ngày cuối cùng của tháng 4/1975, hòa bình thực sự mới được vãn hồi, nhưng nền hòa bình ấy được lập lại không theo cách mà các điều khoản của Hiệp định quy định. Ông bình luận như thế nào về nhận định này của GS Kolko, tác giả một trong những cuốn sách "best seller" về sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta, cuốn "Giải phẫu một cuộc chiến"?


Tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy "một mất một còn" vẫn nổi trội trong các mối bang giao. Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói.
Hiệp định là phương án đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và như mọi dự án chính trị trong lịch sử, đó là sự thỏa hiệp giữa các bên tham gia cuộc đàm phán ma-ra-tông. Phương án này phản ánh so sánh thế và lực giữa các bên, phản ánh các tình huống trong cuộc chiến vào thời điểm các bên quyết định ký kết để chấm dứt một giai đoạn, phục vụ cho ý đồ chính trị, quân sự của giai đoạn tiếp theo.
Một trong những điểm mấu chốt là ý đồ của các bên không giống nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau. Cả bốn bên đều ý thức rõ điều này khi chấp thuận đặt bút ký. Vì vậy mới có định nghĩa kinh điển "ngoại giao là nghệ thuật của những điều không thể".
Việc lập lại hòa bình đã không diễn ra như các điều khoản của Hiệp định không hề giảm giá trị đích thực của Hiệp định, bởi vì lịch sử không bao giờ đứng yên. Lịch sử như một tiến trình và khi tiến trình ấy vận động thì nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ ai, mà tùy thuộc vào diễn tiến khách quan của nhiều nhân tố. Bao giờ cũng có một giả thiết lịch sử và một thực tế lịch sử như tôi đã nói ở trên; sự giao thoa giữ hai mảng này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào tương quan lực lượng và tùy thuộc vào tương tác giữa các nhân tố chủ đạo trong quá trình vận động. Trên thực tế, nội dung Hiệp định đã mở ra nhiều "không gian trống" cho các tình huống về sau này...
Vâng, như chúng ta thấy, mặc dầu ký Hiệp định, nhưng Nixon vẫn tuyên bố, Mỹ chỉ công nhận Việt Nam Cộng hòa do Thiệu cầm đầu là chính phủ hợp pháp duy nhất. Điều này có nghĩa là Mỹ chỉ ủng hộ những nội dung nào của Hiệp định có lợi cho Mỹ và bỏ qua những phần còn lại.
Đến lượt mình, chính quyền Thiệu cũng từ chối công nhận chính quyền cách mạng và chỉ chịu ký một văn bản tách rời, loại trừ mọi ám chỉ liên quan đến công nhận chính phủ cách mạng lâm thời. Tại sao lại có sự tréo ngoe như thế?
Đấy là phương thức của thỏa hiệp, mà căn cốt của vấn đề là ở chỗ phải tìm được lối thoát hợp lý, tại thời điểm ấy, cho một tình huống bất thường, đó là có hai chính quyền không công nhận nhau về mặt pháp lý, nhưng lại phải có chữ ký của cả bốn bên tham gia đàm phán thì mới đi đến chung cuộc của quá trình hòa đàm. Chính những tréo ngoe ấy đã tạo ra các "không gian trống" như tôi đã đề cập ở trên.
Đến lượt mình, các "không gian trống" ấy lại mở đường cho các biến cố lịch sử mà khi ký Hiệp định không phải tất cả các bên đều trù liệu giống nhau, thậm chí như tôi đã nói, hoàn toàn đối đầu nhau.
Vì các bên không công nhận nhau, đó là cơ sở khách quan để chính quyền cách mạng chủ động thay đổi so sánh lực lượng, tiến lên giành thắng lợi trên chiến trường về sau.
Quan hệ nước lớn với nước nhỏ
Ông đánh giá như thế nào về việc xử lý các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn liên quan đến quá trình đàm phán Paris? Làm thế nào mà chúng ta vẫn đạt mục tiêu trong bối cảnh có chia rẽ sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc?
Đây là một chủ đề lớn, phức tạp nhưng rất bổ ích, nó không chỉ liên quan đến hòa đàm Paris, mà còn là "nguồn mạch chính" vận động hữu hình và vô hình trong quan hệ quốc tế giữa nước lớn với các nước nhỏ nói chung, cũng như trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam nói riêng.
Với tư cách là một cán bộ ngoại giao được chứng kiến sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Bộ Chính trị, tôi nhận thức được một số nguyên tắc cơ bản để xử lý mối quan hệ với các nước lớn, dù đó là bạn bè, đồng minh hay đối thủ.


Ta đã giữ được quan hệ "cân bằng động" giữa Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ tích cực của cả hai đồng minh lớn, mặc dù mỗi nước giúp Việt Nam tùy thuộc vào khả năng và xuất phát từ yêu cầu chiến lược của mình. Các đồng minh lớn của ta, tuy bất đồng nhau, nhưng vẫn ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!"
 
Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại. Ảnh Lê Anh Dũng.
Với chính quyền Mỹ, ta đã chủ động có các cuộc tiếp xúc, tìm hiểu, gián tiếp và trực tiếp, nắm được yếu điểm cũng như điểm yếu chiến lược của siêu cường lúc bấy giờ để chuẩn bị các phương án đấu tranh.
Thời kỳ khó khăn nhất là năm 1972, lúc cả Trung Quốc và Liên Xô đều đi vào hòa hoãn với Mỹ, ta phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía khác nhau, nhưng rồi đều vượt lên được, nhờ đường lối độc lập, tự chủ kết hợp với chủ trương đoàn kết quốc tế. Trong quá trình đàm phán ta đã tối ưu hóa các phương thức tập hợp lực lượng quốc tế, đồng thời tìm mọi cách tác động vào nội bộ đối phương, chuyển hóa tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho cách mạng.
Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là bài học vô cùng quan trọng. Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể của cách mạng.
Và ngành ngoại giao đã có những đóng góp như thế nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế các tiêu cực của tình hình quốc tế trong thời gian hòa đàm?

Căn cốt của vấn đề là ở chỗ phải tìm được lối thoát hợp lý, tại thời điểm ấy, cho một tình huống bất thường, đó là có hai chính quyền không công nhận nhau về mặt pháp lý, nhưng lại phải có chữ ký của cả bốn bên tham gia đàm phán thì mới đi đến chung cuộc của quá trình hòa đàm.
Chính những tréo ngoe ấy đã tạo ra các "không gian trống". Đến lượt mình, các "không gian trống" ấy lại mở đường cho các biến cố lịch sử mà khi ký Hiệp định không phải tất cả các bên đều trù liệu giống nhau, thậm chí như tôi đã nói, hoàn toàn đối đầu nhau


Ngành ngoại giao đã thực hiện tốt chức năng là "khớp nối mềm" giữa đất nước với thế giới, đã thực hành tốt bài học lớn của cách mạng Việt Nam là "kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại". Nhờ đó, chúng ta đã hình thành nên mặt trận rộng lớn nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

Về nghiên cứu chiến lược, ngoại giao đã đi trước một bước trong phân tích tình hình, đánh giá ý đồ của các bên liên quan. Chúng ta đã phát huy được vai trò tích cực và chủ động của ngoại giao, áp dụng phương thức vừa đánh vừa đàm. Biết người biết ta, biết cách kết thúc chiến tranh, đó là những bài học không bao giờ cũ cả.
Dân tộc/thời đại bối cảnh mới
Ý ông muốn nói tới bài học thời sự của Hiệp định đối với hoạt động đối ngoại của ta hiện nay?
Hoàn toàn chính xác!
Nhưng như tôi đã nói, lịch sử chuyển động không ngừng, vì vậy, khi áp dụng các bài học trước đây phải luôn ý thức được nội dung mới trong những khái niệm cũ. Nói kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì giờ đây phải hiểu rằng cả hai vế trong định đề ấy đã có nhiều thay đổi.
Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn các trào lưu phổ quát ấy. Có như vậy, mới có sức mạnh tổng hợp và vị thế Việt Nam mới thực sự vững chắc.
Các quốc gia nói chung và các cường quốc nói riêng đang rất thiếu nền tảng của văn hóa khoan dung. Cái tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy "một mất một còn" vẫn nổi trội trong các mối bang giao. Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!
Đấy cũng là căn nguyên của việc trước đây các bên ký Hiệp định đã không tận dụng được tối đa cái cơ hội, cái triết lý của Hiệp định đã mở ra.
Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!
Ngày nay, chúng ta đang thực thi chính sách hội nhập toàn diện. Trong xu thế ấy, hẳn nhiên, một nền ngoại giao hiện đại là một nền ngoại giao phải xuất phát từ tâm thức văn minh thời đại, biết lấy các giá trị phổ quát làm động lực phát triển. Đó là cơ sở để bảo vệ các lợi ích quốc gia một cách hiệu quả! Trong quá trình này, vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ thống các quan hệ đối tác, là những vấn để cốt tử của cách mạng.
Hãy nhớ hai vế đối trên mộ Nguyễn Trường Tộ: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ"; có thể hiểu là: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời / Khi quay đầu nhìn lại, cơ đồ mất trăm năm!".
Phương Loan - Hoàng Lâm (thực hiện)

"Lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ"

"Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là trí tuệ tập thể của đất nước chứ không phải chỉ của ngành giáo dục", nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình góp ý về Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị TƯ 6.


Theo bà Bình, giáo dục nhằm đào tạo ra một lớp người toàn diện nên một ngành không thể nghĩ ra hết mà phải biết huy động trí tuệ của tập thể thì mới có thể làm được. Cũng đưa ra nhận định, giáo dục đang là vấn đề bức xúc, nó quyết định hết tất cả, vì thế theo bà, cần phải cấp bách đổi mới. 
Nguyễn Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Giáo dục tự chủ, sinh ra những con người tự chủ
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Giáo dục tự chủ, sinh ra những con người tự chủ"
 
Bà Bình cho rằng, phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. "Giáo dục hiện nay quá thụ động, tôi muốn giáo dục đổi mới tạo ra những con người tự chủ để xây dựng một đất nước tự chủ".
 
Thời gian qua những vấn đề bức xúc trong xã hội như tệ nạn xã hội, tội phạm vị thành niên tuy có nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận cũng có nguyên nhân từ giáo dục. Đổi mới giáo dục để cải cách vấn đề này, bà cho biết.
 
phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ.
"Phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. - Nguyễn Thị Bình"
Theo bà Nguyễn Thị Bình, cần phải có một ban chỉ đạo vấn đề cải cách giáo dục với những đường lối cải cách rõ ràng. Không chỉ có các nhà giáo dục mà còn phải có các nhà khoa học, để nghiên cứu một đề án tổng thể cả về giáo dục phổ thông, dạy nghề, giáo dục đại học. 
 
"Phải hết sức quyết tâm, còn nếu cứ lơ mơ thế này rất khó thành công. Cần hiểu rằng, giáo dục chậm 1 năm là đất nước trễ hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả một lớp người", bà cho biết.
 
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) bày tỏ: Đề án cải cách là cần thiết, cấp bách, tuy nhiên nó chưa có những điểm mới xứng tầm được gọi là “căn bản”, “toàn diện” của GD-ĐT. Tất cả những vấn đề được nêu đều là những vấn đề đã được đề cập từ 16 năm trước.
 
Tuy nhiên, theo ông, cải cách giáo dục là một quá trình lâu dài, không thể vội vàng, một sớm một chiều.
 
Việc cần làm theo PGS TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội là phải rà soát lại để có bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp; để những người trực tiếp phụ trách công tác này “có đủ điều kiện và quyền hạn “hàng đầu” tương xứng” thì mới tạo ra niềm tin chủ trương không chỉ dừng lại ở lời hô hào khẩu hiệu.